Tài liệu tham khảo Ngữ Văn - Yếu tố trực giác trong sáng tạo nghệ thuật

Tài liệu tham khảo Ngữ Văn - Yếu tố trực giác trong sáng tạo nghệ thuật

Điều này đối với sáng tạo nghệ thuật đã trở thành một phẩm chất chứ không chỉ là một thuộc tính. Một thần Vệ nữ bước ra từ tấm đá hoa cương, một bản nhạc bay bổng cất lên từ những ký hiệu và hiện thực được phô diễn sống động trên những trang giấy mỏng Người nghệ sỹ khác với người bình thường ở khả năng thiên bẩm trong quan sát, tái hiện và sáng tạo. Mọi thăng hoa từ cảm xúc thẩm mỹ của họ tuy khó lý giải thuần túy bằng phương thức duy vật nhưng thật sự đó vẫn là một cỗ máy với cơ chế riêng có đầy đủ quy luật và đặc tính. Nó không hề là cái gì thần bí, kín mít mà là một quá trình tích tụ, sản sinh đặc biệt. Trong đó, sự cảm thụ, rung động, nắm bắt để đi đến sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ là một sự thai nghén, cất giấu âm thầm để đến một lúc nào đó bừng tỉnh, nhưng bên cạnh đó nó cũng có thể đạt tới một nhận thức bất chợt mà không cần hoạt động nào của lý trí về đối tượng. Đây chính là yếu tố trực giác (intuition) trong sáng tạo nghệ thuật. Nhận thức trực giác là giai đoạn tiếp theo của hoạt động tiếp xúc với hiện thực, tác động đến thế giới và khởi đầu cho một sự cảm thụ hoàn hảo dựa trên việc khám phá chiều sâu bản thể của đối tượng. Vậy nên, nhiều nhà triết học, mỹ học và nghệ sỹ đã chủ trương sử dụng trực giác để chiếm lĩnh thế giới một cách trọn vẹn, có chiều sâu và đầy cá tính.

doc 6 trang Người đăng lananh572 Lượt xem 1202Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Tài liệu tham khảo Ngữ Văn - Yếu tố trực giác trong sáng tạo nghệ thuật", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
YẾU TỐ TRỰC GIÁC TRONG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
Thuở xưa, khi Đức Phật còn tại thế, Người thường thuyết pháp cho chúng đệ tử. Trong một buổi nói chuyện với đại chúng có đến 1250 vị Tỳ kheo, Đức Phật không nói gì, chỉ đưa đóa hoa sen lên trước mặt. Đại chúng ngơ ngác. Chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười
Khoảnh khắc ấy qua nhanh như ánh mặt trời lướt trên hạt sương trong veo. Nhưng đốn ngộ đã trở thành phút giây của vĩnh cửu. Có những phút con người bất chợt đi xuyên qua lớp sự vật bình thường mà không cần sự can thiệp nào của lý tính. Tư duy lý tính với cơ cấu riêng biệt không mang lại phút lóe sáng tuyệt vời này và mọi mầu nhiệm của thế giới được khai mở đôi khi rất bất ngờ và bí ẩn.
Điều này đối với sáng tạo nghệ thuật đã trở thành một phẩm chất chứ không chỉ là một thuộc tính. Một thần Vệ nữ bước ra từ tấm đá hoa cương, một bản nhạc bay bổng cất lên từ những ký hiệu và hiện thực được phô diễn sống động trên những trang giấy mỏng Người nghệ sỹ khác với người bình thường ở khả năng thiên bẩm trong quan sát, tái hiện và sáng tạo. Mọi thăng hoa từ cảm xúc thẩm mỹ của họ tuy khó lý giải thuần túy bằng phương thức duy vật nhưng thật sự đó vẫn là một cỗ máy với cơ chế riêng có đầy đủ quy luật và đặc tính. Nó không hề là cái gì thần bí, kín mít mà là một quá trình tích tụ, sản sinh đặc biệt. Trong đó, sự cảm thụ, rung động, nắm bắt để đi đến sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ là một sự thai nghén, cất giấu âm thầm để đến một lúc nào đó bừng tỉnh, nhưng bên cạnh đó nó cũng có thể đạt tới một nhận thức bất chợt mà không cần hoạt động nào của lý trí về đối tượng. Đây chính là yếu tố trực giác (intuition) trong sáng tạo nghệ thuật. Nhận thức trực giác là giai đoạn tiếp theo của hoạt động tiếp xúc với hiện thực, tác động đến thế giới và khởi đầu cho một sự cảm thụ hoàn hảo dựa trên việc khám phá chiều sâu bản thể của đối tượng. Vậy nên, nhiều nhà triết học, mỹ học và nghệ sỹ đã chủ trương sử dụng trực giác để chiếm lĩnh thế giới một cách trọn vẹn, có chiều sâu và đầy cá tính.
Cảm xúc thông thường đối với đối tượng chưa thể nảy sinh rung động mãnh liệt dẫn đến nhu cầu sáng tạo. Trực giác lại giúp con người chìm ngập nhanh chóng vào dòng ý thức và thực tại sâu thẳm. Nó không kết thúc ở đánh giá phân tích đơn thuần như cách cảm nhận lý tính thông thường, những nhận xét logic của lý trí đối với cái đẹp và nghệ thuật đôi khi bất lực, không tiếp cận được dòng chảy bí ẩn bên trong. Trực giác thẩm mỹ là “nhận thức, nắm bắt ngay được bản chất của các hiện tượng thẩm mỹ, không cần có sự trung gian của thí nghiệm hay tư duy. Tính chất trực tiếp của trực giác, mối liên hệ của trực giác với tưởng tượng và tình cảm con người, cho phép coi trực giác là yếu tố hết sức quan trọng của thụ cảm thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật” [1]. Nó giúp cho người nghệ sỹ trong một khoảnh khắc nào đấy có thể có được nụ cười của ngài Ca Diếp.
Nhà triết học của Chủ nghĩa Duy ý chí (Voluntarism) F.W.Nietzche khi bác bỏ sức mạnh của lý trí trước thế giới cũng chủ trương nhận thức hiện thực bằng trực giác. “Trực giác thủy chung là một sức mạnh sáng tạo tích cực” (Sự ra đời của bi kịch) [2,37]. Trực giác là một thấu thị gắn với nhu cầu của bản năng và ý chí của sinh mệnh chủ thể. Nhà triết học Italia Benedetto Croce với Chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism) cũng xây dựng quan niệm nghệ thuật với điểm xuất phát từ nguồn gốc của trực giác. Trực giác mang lại những biểu hiện trữ tình, tức là nghệ thuật. Trực giác không cần sự hỗ trợ của lý trí và không bị ràng buộc bởi định kiến nào. Trong trực giác đã bao hàm quá trình sáng tạo và thưởng thức mang đầy tính biểu hiện.
Trực giác được đề cao hơn cả với Chủ nghĩa trực giác (Intuitivism) của Henri Bergson. Với Bergson, trực giác phá vỡ được bức tường ngăn cách nhận thức của con người với vạn vật. Những quan sát bên ngoài chỉ được chuyển hóa thành quan sát bên trong qua con đường trực giác. Bergson cho rằng trực giác khác với trí tuệ, nó cho ta bắt gặp được tức thời cái tuyệt đối, cái huyền nhiệm – nó không do lý trí, không do trí tuệ nhưng nó cho ta khả năng trực tiếp đi vào trí tuệ, vào cái Biết cao sâu, tinh tế nhất mà không qua suy tư, luận lý. “Một tâm thế hoàn tòan khách quan, không vụ lợi bởi công cuộc mưu sinh, lại không vướng bởi tính chất rập khuôn của ngôn từ, trực tiếp cảm nhận thẳng vào hiện tượng, đó là hành vi trực giác của nghệ sỹ. Quá trình sáng tác được diễn ra trước hết ở chỗ, nghệ sỹ thông qua trực giác tiếp cận với cuộc sống, lắng nghe được xung động bên trong của nó, từ đó hình thành được quan niệm và động cơ sáng tác. Tiếp theo, nghệ sỹ bắt đầu thai nghén hình tượng được đan dệt nên bởi ngôn từ, đường nét, màu sắc, âm thanh, tiết tấu với tư cách là những ký hiệu của vật chất” [2,132].
Một hiện thực đời sống rộng rãi và phong phú luôn bày ra trước mắt gọi mời những cảm hứng sáng tạo của người nghệ sỹ. Nhưng từ rung động thực sự đến thăng hoa xúc cảm và tuôn trào khả năng sáng tạo là cả một quá trình. Nhiều khi tác phẩm nghệ thuật ra đời từ những quan sát lâu ngày, những tích tụ ký ức, cộng hưởng với trí tưởng tượng phong phú. Nhưng có lúc sáng tạo đến với người nghệ sỹ một cách đột nhiên, cái bình thường chưa nắm bắt được lại bất ngờ “thấu thị” và sự vật được chiếm lĩnh sâu sắc, tinh tế, toàn diện. Khó lý giải cơ chế của nhận thức trực quan, nhưng rõ ràng nó phải gắn với tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm, có mạch rung động mạnh mẽ và sự tinh tế trong quan sát, cảm nhận. Đề cao vai trò của trực quan khiến văn học nảy sinh những trào lưu đặc biệt và đóng góp được nhiều thành tựu, chẳng hạn Chủ nghĩa tượng trưng (Symbolism), Chủ nghĩa siêu thực (Surrealism) (đặc biệt trong thơ ca), văn học “dòng ý thức” của Chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại (Modernism and Postmodernism) (tiêu biểu như tiểu thuyết của các nhà văn phương Tây như Marcel Proust, William Faulkner, James Joyce). Ở nước ta đầu thế kỷ XX, nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới đã tiếp nhận Chủ nghĩa trực giác và đề cao vai trò của cảm xúc, của trực cảm. Người ta vẫn nhắc đến những câu thơ mang tính tượng trưng như một sự rung khẽ của những va chạm bên trong tinh tế và đầy trực cảm:
 Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh
Linh lung bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời;
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người
(Xuân Diệu – Nguyệt cầm)
Xuân Thu Nhã Tập là hiện tượng tiêu biểu cho việc khai thác tận cùng, tuyệt đối cái trực giác trong tư duy thơ. Những nhà thơ của phong trào này cho rằng trực giác là tính chất có tính cội nguồn của thơ: “Cái mà thời người có thể cho là hấp thụ của phương Tây thì người Á Đông ta, có cái trí cổ sử, trực giác ngay từ lúc đầu, nhờ một ngôn từ đặc biệt” (Xuân Thu nhã tập, Thư lâu xuất bản, 1942) [5,36].
Mọi trực giác nghệ thuật thực sự đều vượt xa những gì giác quan nhận biết và một khi đã lọt được tới cái nằm đằng sau bộ mặt của thực tại, nó sẽ cố gắng giải thích sự mầu nhiệm kín ẩn của thực tại này. Bản thân trực quan cũng nảy sinh từ nơi thẳm sâu của linh hồn con người, nơi đó ta gặp thấy con người đang khát khao tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời mình, đồng thời thấy được vẻ đẹp cũng như sự thống nhất diệu kỳ của thế giới. Người nghệ sỹ nào cũng nghiệm ra có một khoảng cách không sao vượt qua được giữa tác phẩm do tay mình sáng tạo ra, dù có thành công đến đâu, và vẻ đẹp tuyệt vời mà mình thoáng thấy trong một lúc nảy sinh cảm hứng sáng tác: những gì họ cố gắng diễn tả qua tranh vẽ, tượng điêu khắc hay tác phẩm văn học chính là tia sáng phát ra từ ánh sáng đã từng lóe lên trước đôi mắt tinh thần của họ trong khoảnh khắc nào đó. Người nghệ sỹ thực thụ là người biết nắm bắt khoảnh khắc ấy và lặn sâu được vào đáy vạn vật, biến cảm xúc thăng hoa thành động lực sáng tạo.
Cái tôi bề sâu thuần túy tâm tư và kéo dài liên tục chính là thực tại duy nhất của nhận thức trực quan. Sự can thiệp của lý tính và khoa học không thể là phương pháp để nắm bắt bản chất cái vốn phi lý tính và khác hẳn với tính rạch ròi duy vật của khoa học. Chỉ có trực giác là con đường thể nghiệm nội tâm sâu kín, đi vào bên trong sinh mệnh bản thể, khám phá được cội nguồn của nghệ thuật, nhận biết được động lực tinh thần thực sự cho những sáng tạo thẩm mỹ. Chính quan niệm này đã tác động đến văn học hiện đại phương Tây, đặc biệt là văn học “dòng ý thức”. Tiểu thuyết “dòng ý thức” đi sâu vào cái bí ẩn bên trong tâm lý con người, phân tích một cách tinh tế những tâm trạng và cả cái vô thức sâu kín trong con người bằng cách cấu tạo câu chữ phức tạp, kéo dài nhằm đạt tới mức tối đa sự thể hiện những biến động quanh co, rối bời và rất khó nắm bắt của cõi lòng sâu thẳm. Sử dụng thủ pháp đồng hiện kiểu điện ảnh, phá vỡ các lớp thời gian vật lý, làm đứt đoạn dòng chảy ngôn từ và mạch truyện, tính chất không liền mảnh của nhân vật, lối viết độc thoại nội tâm và phân tích tâm lý là những kỹ thuật tiêu biểu của tiểu thuyết “dòng ý thức”. Nhà văn đã sử dụng phương pháp nội quan, lấy cảm xúc cá nhân và trực giác nhạy bén làm cách thức khám phá và phản ánh thực tại khách quan vào trong tác phẩm nghệ thuật. Có thể lấy ví dụ từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner, nhà văn Mỹ. Cuốn sách viết về sự sụp đổ của từng thành viên trong dòng họ Compson ở miền Nam Hoa Kỳ. Sự tan rã của xã hội hiện đại trên nhiều phương diện là chủ đề của tác phẩm. Tuy nhiên, mục tiêu chính của W.Faulkner không phải là miêu tả lại các trạng thái đổ vỡ của thực tại mà ngòi bút nhà văn hướng vào việc nắm bắt thế giới tâm linh con người. Sự lựa chọn hình thức kể chuyện của kỹ thuật dòng ý thức đã thể hiện chân xác nhất sự xáo trộn trong mỗi cá nhân. Thông qua dòng ý thức của ba nhân vật: thằng khùng Benjy, anh cả Quentin và cậu em Jason, Faulkner đã khước từ cách thức kể chuyện cổ điển theo dòng thời gian tuyến tính. Dung lượng đồ sộ của câu chuyện một dòng họ đầy phức tạp như gia đình Compson được thu gọn, cô đọng cực hạn, thời gian sự kiện được rút ngắn một cách tối đa và mở ra biên độ rộng cho dòng thời gian tâm tưởng. Chi tiết, cốt truyện không còn là vấn đề đáng quan tâm của tiểu thuyết hiện đại mà mục đích của nhà văn là khám phá đời sống nội tâm con người với bao nhiêu suy tư, gào thét, bao nhiêu cô đơn và nỗ lực vùng vẫy để thoát khỏi vũng lầy của sa đoạ, bế tắc, ám ảnh. Dòng ý thức của nhân vật cho phép đảo lộn thời gian, xáo tung nó lên trong sự hồi tưởng vốn dĩ đã thiếu hụt sự rành mạch. Những dòng ký ức và suy tư ùa kéo nhân vật về với không gian quá khứ, cảnh vật, con người, sự kiện nối liền rộng lớn và trải dài trên những phiến đoạn vỡ vụn của trí nhớ. Quá khứ- hiện tại đan xen đứt gãy, những liên tưởng của mỗi nhân vật lại gợi ra những khúc đoạn khác nhau của cuộc đời. Và ở đấy nhà văn khám phá được nội tâm sâu thẳm phức tạp của Caddy, Quentin, Jason và cả thằng khùng tưởng như không có ý thức Benjy. 
Kỹ thuật dòng ý thức chính là một phương diện cách tân độc đáo nghệ thuật kể chuyện của Faulkner, mang lại một sức hút cho tác phẩm, lôi kéo bạn đọc suy nghĩ để bắt nhịp với diễn biến câu chuyện, khám phá ra mối liên hệ khăng khít giữa các sự kiện trong chính sự phân đoạn rời rạc của chúng. Cả một thế giới đầy náo động được hình dung qua những phiến đoạn mong manh, gập ghềnh của suy tư, hồi tưởng, ám ảnh day dứt của một Benjy khờ khạo, một Quentin yếu đuối và đa cảm, một Jason tỉnh táo và cực kỳ tính toán. Thế giới của Benjy là sự rối mù của sự kiện, những sự kiện nằm ngoài thời gian, bởi không hề có một logic nào về trình tự. Tuy nhiên, nó lại tỏ ra có lý khi nằm bên trong nhận thức của một gã khờ, một kẻ không biết đến thời gian, không cần đến không gian. Tất cả diễn biến của cuộc đời này chỉ đến bất chợt với những phút tạt ngang, đột ngột tắt lịm hay cứ trùng lặp mải miết. 
Những suy tư, dằn vặt triền miên của anh sinh viên Đại học Harvard, Quentin, lại ngập đầy bao cảm xúc nặng nề, bế tắc. Những câu văn không dấu, không ngắt, không phân chia xô đuổi nhau, chèn ép nhau khiến người đọc quay cuồng và phút cuối cảm thấy như cả thân mình tuột theo Quentin trầm mình xuống biển sâu 
* * *
Có lẽ, cách khai thác trực cảm của tư duy phương Tây cũng sẽ có những nét khác biệt rõ ràng với phương Đông. Bởi trực giác là cái hoàn toàn chủ quan, cá thể và tâm linh. Nó sẽ gắn bó với mạch nguồn tư tưởng chảy sâu từ cội rễ văn hóa, đời sống tinh thần dân tộc. 
Nhưng nói cho cùng, sự đề cao thái quá bất cứ yếu tố nào của hiện thực và tâm lý đều dẫn đến sự mất cân bằng, dễ đi vào siêu hình thần bí.
Một trực cảm nguyên sơ và toàn vẹn mà Mãn Giác thiền sư đã hốt nhiên tìm được đã dẫn đến tri kiến tuyệt vời:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
(Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai)
(Mãn Giác thiền sư - Cáo tật thị chúng)
Trực giác con người, trong giây phút đầu tiên và cuối cùng, chính là nụ cười Ca Diếp, cành mai Mãn Giác. Và, suối nguồn của sáng tạo nghệ thuật từ đấy được khởi nguyên
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bách khoa toàn thư Việt Nam trên mạng. 
Phương Lựu (2005), Lý luận văn học hiện đại phương Tây, NXB Giáo dục.
M.B.Khrapchenkô (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội.
K.Pauxtôpxki (2001), Bông hồng vàng, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Nguyễn Bá Thành (1995), Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, NXB Văn học.
I.X.Vưgôtxki (1995), Tâm lý học nghệ thuật, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Tài liệu đính kèm:

  • docTUAN 110.doc