Giáo án môn Ngữ văn lớp 8 - Bài 2: Văn học văn học viết Yên bái trước 1975

Giáo án môn Ngữ văn lớp 8 - Bài 2: Văn học văn học viết Yên bái trước 1975

1.Mục tiêu:

Sau khi học xong bài này, học sinh đạt được:

1.1. Kiến thức:

 - Biết được những thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Yên Bái trước 1975.

 - Hiểu được giá trị nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học Yên Bái trước 1975.

1.2. Kĩ năng:

 - Biết cách sưu tầm, tìm hiểu để biết những thông tin cơ bản của các tác giả, tác phẩm văn học.

 - Biết phân tích tác phẩm văn học.

1.3. Thái độ: Quan tâm, tích cực tìm hiểu, trân trọng văn học viết địa phương.

 

doc 10 trang Người đăng thu10 Lượt xem 1094Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn lớp 8 - Bài 2: Văn học văn học viết Yên bái trước 1975", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
lớp 8
Bài 1 : Tiếng Việt: Rèn luyện chính tả
tìm hiểu các lỗi chính tả phổ biến ở yên bái về
các vần khó có các nguyên âm và bán âm cuối dễ lẫn
(1 tiết)
Bài 2: văn học
văn học viết yên bái trước 1975
(2 tiết)
1.Mục tiêu: 
Sau khi học xong bài này, học sinh đạt được:
1.1. Kiến thức:
	- Biết được những thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Yên Bái trước 1975.
	- Hiểu được giá trị nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học Yên Bái trước 1975.
1.2. Kĩ năng:
	- Biết cách sưu tầm, tìm hiểu để biết những thông tin cơ bản của các tác giả, tác phẩm văn học.
	- Biết phân tích tác phẩm văn học.
1.3. Thái độ: Quan tâm, tích cực tìm hiểu, trân trọng văn học viết địa phương.
2. Thông tin: 
2.1. Tác giả, tác phẩm văn học Yên Bái trước 1975:
 Thời kỳ văn học trung đại: 
Theo các tài liệu nghiên cứu hiện có, trong thời kỳ văn học trung đại, văn học viết về Yên Bái có bài "Đại Đồng phong cảnh phú" của tác giả Nguyễn Hãng và hai bài thơ viết về Đại Lịch, Văn Chấn của Nguyễn Quang Bích. Cả Nguyễn Hãng và Nguyễn Quang Bích đều không phải là người Yên Bái nhưng tác phẩm của các ông đã thể hiện sâu sắc về cảnh vật núi non, sông nước, sự kiện, con người thuộc châu Thu Vật và vùng Đại Lịch xưa – những vùng đất thuộc Yên Bái ngày nay. Riêng tác phẩm " Đại Đồng phong cảnh phú" đã được nhắc tới khá nhiều, nên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu.
 Thời kỳ văn học hiện đại:
- Văn học Việt Nam bước sang thời kỳ hiện đại được đánh dấu bởi sự ra đời và phát triển của phong trào Thơ Mới và tiểu thuyết của “ Tự lực văn đoàn” trong những năm 1930 – 1945. Tham gia trong phong trào Thơ Mới hồi đó, ở Yên Bái có tác giả Lê Văn Bái, bút danh J. LEIBA. Tuy không phải là một cây bút hàng đầu của phong trào Thơ Mới nhưng J. LEIBA cũng là một gương mặt Thơ Mới được tuyển chọn trong “ Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân có thể cho học sinh đọc thêm một bài thơ của tác giả này.
	 - Khi hoà bình được lập lại, miền Bắc xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Cảnh vật và con người có nhiều đổi thay trong cuộc sống mới. Điều đó đã được phản ánh trong sáng tác văn học của một số cây bút Yên Bái. Trong số đó nổi bật lên là các sáng tác của nhà văn Hoàng Hạc. Ông vừa là người địa phương, dân tộc, là tác giả đầu tiên của Yên Bái được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp cho văn học Yên Bái. 
Phần văn học này được tìm hiểu trong hai tiết. Tiết 1 : HS biết được những thông tin chính về tác giả, tác phẩm văn học Yên Bái trước 1975, hiểu được nội dung và một vài ‏‎ về nghệ thuật của tác phẩm “ Đại Đồng phong cảnh phú”. Tiết 2 : HS biết được những đóng góp của Nhà văn Hoàng Hạc với văn học Yên Bái, hiểu được nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn “Trận mưa rào tháng hai”.
2.2. Tác giả Nguyễn Hãng và hoàn cảnh sáng tác bài phú, văn bản bài phú:
Nguyễn Hãng (có tài liệu ghi là Nguyễn Hàng) sinh vào khoảng năm 1495, 1497, năm mất chưa rõ. Ông sống vào thế kỉ XVI, hiệu Nại Hiên, quê làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao(nay thuộc Phú Thọ), đỗ hương cống đời Lê Tương Dực rồi học Quốc Tử Giám, sắp đến kì thi hội gặp loạn nhà Mạc cướp ngôi, ông chạy lên ẩn dật tại làng Đại Đồng, phủ Yên Bình. Lúc bấy giờ hai anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật đang lấy vùng Đại Đồng thuộc châu Thu Vật làm căn cứ phù Lê chống Mạc. Khoảng năm 1565- 1569 anh em họ Vũ mời Nguyễn Hãng cùng nhiều nho sĩ quanh vùng đến làm thơ, phú ca ngợi phong cảnh Đại Đồng. Bài “Đại Đồng phong cảnh phú” của Nguyễn Hãng giành giải nhất được Vũ Văn Mật thưởng cho một thúng nhỏ bạc trắng (khoảng 2.000 lạng bạc). Sau khi Nguyễn Hãng mất, triều Lê Trung Hưng phong danh hiệu “ Thảo Mao ẩn sĩ”. Tác phẩm của Nguyễn Hãng còn để lại là hai bài phú Nôm: “Tịnh cư ninh thể phú” mô tả cuộc sống của các ẩn sĩ và “Đại Đồng phong cảnh phú” mô tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ vùng Đại Đồng và tình yêu của mình, đề cao uy thế của anh em họ Vũ. Theo Lê Quý Đôn, Nguyễn Hãng còn là soạn giả của “ Thiên Nam vân lục” gồm ba quyển có 41 truyện bằng chữ Hán rút từ “ Lĩnh Nam chích quái”. Nguyễn Hãng mất tại quê hương, hiện nay phần mộ tại xã Xuân Lũng.
 Đại đồng(1) phong cảnh phú
Chưng xem:
Đặc khí thiêng liêng;
Nhiều nơi thanh lạ.
Non Xuân Sơn(2) cao thấp triều tây(3);
Sông Lôi Thuỷ(4) quanh co nhiễu tả(5).
Ngàn tây chìa cánh phượng, dựng thửa hư không;
Thành nước uốn hình rồng, dài cùng dãy đá(6).
Đùn đùn non Yên Ngựa(7), mấy trượng khoẻ thế kim thang(8);
Cuồn cuộn thác Con Voi(9), chín khúc bền hình quan toả(10).
Thêm có:
Lâu đài kề nước;
Hoa cỏ hướng dương(11).
Thược dược khéo muời phần tươi tốt,
Mẫu đơn khoe hết bực giàu sang(12).
Hây hây ngõ hạnh, tường đào, quanh nhà Thái tổ(13)
Thay thảy đường hoè, dặm liễu, hóng gió thiều quang.
Má hồng điểm thức yên chi(14), đầy vườn hạnh, xem bằng quốc sắc;
Quần lục đượm mùi long não, dãy tường lan, nức những thiên hương(15)
Lại có nơi:
Tiện nẻo vẵng lai;
Ra(16) nơi thành thị.
Tán(17) đầu khăn hợp khách bốn phương;
Xe dù ngựa dong đường thiên lý
Đủng đỉnh túi thơ, bầu rượu, nặng cổ thằng hề(18);
Dập dìu quần sả(19), áo nghê(20), dầu lòng con tý(21).
Diên đồi mồi(22), châu châu ngọc ngọc, nhiều chốn phồn hoa;
Viện thu thiên(23), ỷ ỷ la la(24), mười phần phú quý.
Xem phong cảnh chỉn(25) đã khác thường;
Gẫm tạo vật thật đà có ý.
Thửa mắc(26):
Trời sinh chúa thánh;
Đất có tôi lành.
Xem ngôi kiền(27) đòi thời mở vận;
Phép hào sư(28) lấy luật dựng binh.
Đất tam phân(29) có thửa hai, chốn chốn đều về thanh giáo(30);
Nhà bốn bể vầy làm một, đâu đâu ca xướng thái bình.
Chín lần nhật nguyệt làu làu, cao đường hoàng đạo(31)
Nghìn dặm sơn hà chễm chễm, khoẻ thế vươn thành(32).
Hình thế ấy khen nào còn xiết;
Phong cảnh này thực đã nên danh !
	 Thi văn Việt Nam – Hoàng Xuân Hãn
Sông Nhị – Hà Nội, 1951
(Dẫn theo cuốn “Nguyễn Hãng tác phẩm” Nguyễn Văn Toại (Chủ biên), – Nhà xuất bản Văn hoá thông tin- Hà Nội 2007)
Chú thích:
ờ Phú là một thể loại văn học cổ, thường là văn xuôi, có vần dùng để tả cảnh vật, phong tục hay bày tỏ cảm xúc, thái độ. Có hai loại phú. Phú cổ thể như một bài văn xuôi có vần, kết cấu linh hoạt, đoạn mạch không cần chặt chẽ. Phú cận thể (còn gọi là phú đường luật), có bố cục chặt chẽ (thường có 6 phần). Câu văn của phú thường là câu biền ngẫu (câu văn có 2 vế, đỗi xứng nhau).
(1). Đại Đồng: Tên địa danh, thuộc phủ Yên Bình. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật chiếm giữ Đại Đồng, chống lại nhà Mạc. Họ Vũ, một mặt giúp binh lương cho Lê Trang Tông(khởi sự ở Thanh Hoá), một mặt củng cố nội bộ, cho nên khi ấy Đại Đồng là một vùng nổi tiếng phồn vinh, nhân dân tụ họp đông đúc, buôn bán thịnh vượng, là đô hội lớn của phiên trấn về mặt tây.
(2). Xuân Sơn: Tên quả núi trong dãy núi Voi ở Yên Bình.
(3). Triều Tây: Chầu về phía tây, phía trấn Đại Đồng.
(4). Lôi Thuỷ: Chính là sông Chảy, chảy qua Yên Bình, Đoan Hùng.
(5). Nhiễu tả: Nhiễu là vòng quanh; tả là bên trái. Trấn Đại Đồng ở bên phải, sông Chảy chạy quanh phía trái trấn Đại Đồng.
(6). Thành nước: Là thành xây bên bến nước. “Dãy”, có bản chép chữ “là”.
(7). Non Yên Ngựa: Dãy núi ở ngay sát trấn Đại Đồng.
(8). Kim thang: Do chữ “ Kim thành, thang trì” trong sách Hán Thư (thành bằng đồng, hào chứa nước sôi), ý nói thành trì không thể phá nổi.
(9). Thác Con Voi: xem số 2.
(10). Quan toả: Quan là cửa, toả là khoá, ý nói phòng thủ vững chắc.
(11). Hướng dương: Chầu về mặt trời. Câu này cũng nh câu thứ hai có ý ca tụng anh em họ Vũ.
(12). Mẫu đơn khoe hết bực giàu sang – do câu: “Mẫu đơn hoa chi phú quý giả dã” ngụ ý mẫu đơn là loại hoa phú quý trong các loại hoa.
(13). Thái tổ: Đây là chỉ Vũ Văn Uyên, khi đã chết và Vũ Văn Mật lên thay. Chữ Thái tổ thường dùng để đặt miếu hiệu cho các vua sáng nghiệp –Vũ Văn Uyên tuy chưa làm vua nhưng cũng đã sáng lập ra cơ nghiệp cát cứ của họ Vũ ở Tuyên Quang. Câu này có ý tôn quá mức.
(14). Yên chi: Thứ cây có hoa đỏ dùng để chế sáp hay phấn hồng cho phụ nữ trang điểm.
(15). Thiên hương: Hương trời, dùng chỉ người đẹp.
(16). Có bản chép chữ “là”.
(17). Tán: Người Mán đội khăn hình tròn to vành vạnh như cái tán.
(18). Thằng hề: Hề đồng – kẻ theo hầu các Nho sĩ.
(19). Quần sả: Có bản chép là quần trả, quần mầu biếc như lông chim trả(còn gọi là chim bói cá).
(20). áo nghê: áo màu cầu vồng
(21). Con tý: Con gái
(22). Diên: Tiệc. Đồi mồi- có lẽ là chén đựng rượu bằng đồi mồi.
(23). Thu thiên: Cây đu
(24). ỷ la: Vóc lụa
(25). Chỉn: Tiếng cổ có nghĩa vốn, rất, lắm
(26). Thửa mắc: Thửa là “ấy”, từ chỗ ấy; mắc là “bởi”, “với”; thửa mắc cũng như vì thế cho nên. Có bản chép là thửa mặc.
(27). Ngôi kiền: Kiền là quẻ thứ nhất trong bát quái của Kinh dịch, tượng trời cũng là tượng vua; ngôi kiền chỉ ngôi vua.
(28). Sư : Tên một quẻ trong Kinh dịch, nói về việc ra quân có câu “sư suất dĩ luật”, nghĩa là quân xuất chinh phải có luật.
(29). Tam phân: Chia ba- khi đó đất nước ta bị chia sẻ giữa các chúa phong kiến. Nhà Mạc ở miền đồng bằng và miền đông Bắc Bộ, Lê – Trịnh ở Trung Bộ, họ Vũ ở Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai. Tác giả đã tôn họ Vũ một cách quá đáng nên nói rằng đã có hai phần ba thiên hạ.
(30). Thanh giáo: Thanh danh và giáo hoá của nhà vua. Đây chỉ thanh giáo của họ Vũ.
(31). Hoàng đạo: Đường mặt trời đi, ở đây tác giả có ý tôn họ Vũ như mặt trời cao sáng.
(32). Vương thành: Thành nhà vua, chỉ trấn Đại Đồng. Tác giả có ý tôn họ Vũ là bậc vương giả cho nên gọi Đại Đồng là Vương thành
Câu hỏi đọc – hiểu:
1. Em hãy đọc kĩ từ đầu đến “thiên hương” và tìm hiểu cảnh vật của châu Thu Vật, trấn Đại Đồng, căn cứ của anh em họ Vũ được miêu tả như thế nào? Những cảnh vật được miêu tả ấy đã thể hiện cảm xúc, thái độ gì của Nguyễn Hãng.
2. Em có nhận xét gì về thể loại phú (một thể loại văn học cổ) ?
2.3. Nhà văn Hoàng Hạc và đoạn trích truyện ngắn “Trận mưa rào tháng hai”.
- Hoàng Hạc (15/ 2/ 1932- 10/1999)
Tên khai sinh: Hoàng Văn Hạc.
Bút danh: Hoàng Hạc.
Quê quán: Bình Hanh, Yên Bình, Tuyên Quang (nay là Xuân Lai, Yên Bình, Yên Bái)
Dân tộc: Tày
Trình dộ chuyên môn: Đại học viết văn Nguyễn Du
Nguyên là:
- Cán bộ Ty Tài chính, cán bộ tổ chức Tỉnh uỷ Tuyên Quang.
- Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Hoàng Liên Sơn
- Uỷ viên thường trực Ban vận động thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn (1976 - 1979).
- Hội phó Hội Văn học – Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn (1979 - 1980).
- Hội trưởng Hội Văn học – Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn (1984- 1986)
- Uỷ viên Ban chấp hành Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam.
- Hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Khu tự trị Tây Bắc (1979 - 1991).
	- Hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1980).
	- Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khoá I.
	- Hội viên Hội Văn học các dân tộc Việt Nam (1983).
Giải thưởng:
	- Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Yên Bái: Giải đặc biệt cho tuyển tập văn xuôi( 1998)
	- Huy chương vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam của Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam ( 1997).
Tác phẩm chính:
	- Ké Nàm - Tập truyện ngắn (1964)
	- Hạt giống mới - Truyện ký (1983)
	- Sông gọi - Tiểu thuyết (1986)
	- Xứ lạ Mường trên - Tự truyện (1989)
	- Khảm hải - Trường ca dân gian, Sưu tầm, dịch từ tiếng Tày (1962,1964)
	- Hươu và rùa- Truyện cổ dân gian, Sưu tầm (1962)
	- Cái ống cọn, Then bách điểu – Trường ca dân gian, Sưu tầm, dịch từ Tiếng Tày
(1995).
- Tuyển tập văn xuôi Hoàng Hạc – NXBVHDT (1999)
	- Đường lên dâng lễ tổ - Sưu tầm, dịch từ tiếng Tày NXBVHDT (2004) 
Trận mưa rào tháng hai
	 ( Trích )
	Bác Hảo tuổi ngoài năm mươi, người bác cân đối, sức lực. Nhà bác ở đầu đồng Bản Vai, một căn nhà sàn cột kê, ba gian nho nhỏ, gọn ghẽ. Sơm sớm, chống cánh cửa sổ lên là trông thấy những người tấp nập cày bừa trên cánh đồng trước cửa sổ. Liền đó, con suối Khuổi Biệc lượn vòng cung ôm lấy cánh đồng, ôm lấy nhà sàn của bác. Sau nhà, một dải đất thoai thoải ăn liền với quả núi thật bề thế. Quả núi ấy được nối liền với những lớp núi, dãy núi giăng hàng luỹ, xanh tươi mát mẻ. Giữa những lớp núi ấy, đồng ruộng, nhà sàn, bản nọ nối bản kia, càng đi sâu vào càng sầm uất.
	Suốt dải đất sau nhà là rừng vầu của bác. Nửa phía trên vầu đắng, còn toàn vầu ngọt. Tôi theo bác lên rừng vầu đào măng. Bác bảo phải mang dao kẻo vắt cắn không có gì giết. Vào rừng vầu của bác Hảo, tôi như lạc vào cánh rừng vầu tự nhiên. Những dãy vầu nhà trồng, cây nào cây ấy to mập, cứng cáp cao đều tăm tắp. Cả rừng cứ san sát một lượt.
	Bác Hảo bới rác quanh ngọn măng, lao mạnh lưỡi thuổng hai bên rồi bẩy mạnh, ngọn măng với cả gốc non bật lên khỏi mặt đất. Bác đập đập cho đất tơi rụng đi, cho vào soỏng , bước qua những ngọn măng thưa, đến những chỗ măng mọc dầy chi chít, bác tiếp tục đào.
	- Măng thì phải đào chỗ nào dày, phải tỉa bớt đi, nó mới mọc nhiều, cây mới to và cứng cáp - Bác Hảo nói- Chứ có người không biết, có măng mà không dám đào, nó chả mọc đâu cháu ạ! Người ta thì thích ăn măng vầu ngọt, nhưng cây vầu ngọt không giá trị bằng cây vầu đắng đâu nhé. Vì cây vầu ngọt thớ nó mềm, lại ngọt nên thường bị mọt ăn. Còn cây vầu đắng ấy á, gặp những gốc cây già, dao không thật thép, chém một nhát nẩy bật ra ngay, lưỡi dao quằn queo sứt mẻ còn hơn răng cá quả. Gốc nào gốc ấy đen nhánh, cưa những gốc ấy ra làm răng cối, dám bảo áo cối bục trước, chứ nó không hỏng trước bao giờ. Còn thân nó cứ chẻ tư, chẻ sáu ra, đem xuống ao ngâm cho kì mọc rêu rồi vớt lên phơi, ném lên mái nhà làm dui, mè, chả có mối mọt nào dám đụng đến nó. Nhà bác bây giờ đấy, bóc mái hai bận rồi mà vẫn dui, mè ấy. Chỉ trừ khi mình không chăm được, để cọ mục nát trơ mái ra với mưa gió là nó mới hỏng thôi. Với lại phải chặt đúng vụ, không thì dù ngọt hay đắng cũng bị mọt tất, nhất là không ngâm nữa thì thôi.
	Tháng hai năm nay, tôi lại có dịp trở lại gia đình bác Hảo. Bác Hảo bảo:
	- Năm nay thế nào mà mưa muộn quá cháu ạ. Tháng chạp không mưa đã đành, tháng giêng cũng không mưa, quá nữa tháng hai mới nghe tiếng sấm ầm ỳ tận xa, nó mưa ở đâu chứ chưa đến mình. Người ta bảo: “ Sấm về tháng giêng thì đầy ăm ắp, sấm về tháng hai lo đào củ mài”. Năm nay kiểu này là gay go đấy, cháu ạ.
	Hút xong điếu thuốc bác lại chậm rãi nói:
	- Sấm về sớm phải là sấm khoẻ, chạy ầm ầm qua trên nóc nhà, chớp loé mắt, sét đánh choang choang ấy chứ, đằng này ầm ỳ tận đâu ấy chưa ăn thua. Đến măng cũng nghẹn không mọc nổi. Đấy, chốc rồi cháu xem.
	Nhưng đến hôm sau thì trời chuyển thời tiết. Thế rồi những giọt mưa đầu tiên ném chan chát xuống giàn phơi như đá ném. Mưa mỗi lúc một dày hạt, rào rào, ào ào rồi ầm ầm. Gió thốc làm cành dâu da ngả nghiêng. Chớp bỗng giật hoa mắt. Trên tầng cao im lặng, một tiếng sấm nổi lên đinh tai, lao một luồng rền vang ngang trời. Nước mưa tuôn xuống mái nhà ào ào. Những búp non, những lá cây nhẩy nhót trước làn mưa tuôn xuống. Những tàu chuối khom lưng hứng nước mưa nhảy tưng tưng. Quanh nhà, rác rưởi ở những chỗ thấp dồn nhau xuống hủm sâu. Bầy vịt thi nhau há mỏ đớp nước mưa rồi hối hả sục quanh rãnh. 	
	Hôm sau trời quang, mây tạnh, nắng hửng lên, bác Hảo tay xách soỏng, tay xách thuổng háo hức lên rừng vầu sau nhà. Tôi cũng theo bác lên rừng vầu, lòng đinh ninh nhớ mưa to, rừng ẩm, vắt sẽ ra, tôi không quên mang theo con dao.
	úi chao, măng mọc nhiều lắm, cụ ơi! - Tiếng thằng chắt của bác Hảo reo lên bên kia hàng rào. Bác Hảo chân luống cuống, hỏi “ đâu, đâu”, vừa bước vội sang cửa rừng. Tôi cũng náo nức lây, nhảy vội theo. Chao ôi, sung sướng chưa kìa, mới một trận mưa rào to và qua một đêm mà măng đã thi nhau bật trồi lên khỏi mặt đất. Cả một rừng măng trỗi dậy trông mới thích mắt làm sao.
 Hoàng Hạc - Dẫn theo kỉ yếu Văn học - Nghệ thuật Yên Bái.
Câu hỏi đọc – hiểu :
1.Trong đoạn trích trên, hình ảnh nhân vật bác Hảo – một người nông dân miền núi hiện lên như thế nào?
2. Cảnh rừng vầu, cảnh trận mưa rào tháng hai được nhà văn miêu tả như thế nào?
3. Em có nhận xét gì về lối kể chuyện và sử dụng từ ngữ miêu tả của nhà văn Hoàng Hạc?

Tài liệu đính kèm:

  • docBAI 2.doc