Đề tài Dạy học tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong môn học vật lí

Đề tài Dạy học tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong môn học vật lí

- Môi trường là không gian sinh sống của con người và sinh vật, là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất, là nơi chứa đựng và phân hủy các chất thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất; Môi trường có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người. Đó không những là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển mà còn là nơi lao động, nghỉ ngơi, hưởng thụ và trau dồi những nét đẹp văn hóa, thẫm mĩ, .

-Với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật ngày càng nhanh, ở nước ta trong thời kì đổi mới, vấn đề ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

 

doc 9 trang Người đăng levilevi Lượt xem 1682Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Dạy học tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong môn học vật lí", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên Đề
DẠY HỌC TÍCH HỢP GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 
TRONG MÔN VẬT LÍ
I. LÝ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ.
- Môi trường là không gian sinh sống của con người và sinh vật, là nơi chứa đựng các nguồn tài nguyên cần thiết cho đời sống và sản xuất, là nơi chứa đựng và phân hủy các chất thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất; Môi trường có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người. Đó không những là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển mà còn là nơi lao động, nghỉ ngơi, hưởng thụ và trau dồi những nét đẹp văn hóa, thẫm mĩ,.
-Với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật ngày càng nhanh, ở nước ta trong thời kì đổi mới, vấn đề ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường, xác định nhiệm vụ trọng tâm cho giáo dục phổ thông là trang bị cho học sinh kiến thức, kĩ năng về môi trường và bảo vệ môi trường bằng hình thức phù hợp trong các môn học và thông qua các hoạt động ngoại khóa, xây dựng mô hình nhà trường xanh – sạch – đẹp phù hợp với các vùng miền.
- Trong bối cảnh đó, người giáo viên dạy bộ môn Vật lí cần tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong các bài giảng nhằm thực hiện những yêu cầu trên đối với học sinh để học sinh có ý thức bảo vệ môi trường chống ô nhiễm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
 -Vì vậy dạy bộ môn Vật lí như thế nào để các em thích thú, dễ hiểu, mau nhớ, mau thuộc, ít tốn thời gian và có ý thức trong vấn đề bảo vệ môi trường chống ô nhiễm môi trường là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm.
 Với những lí do trên mà tôi đã chọn chuyên đề “Dạy học tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong môn vật lí” để soạn giảng các bài giảng Vật lí.
II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH.
 1). Phân tích thực trạng.
 Qua các năm giảng dạy tôi nhận thấy bài giảng của giáo viên còn nặng về kiến thức chuyên môn chưa quan tâm đến vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường, chưa khai thác được các hiện tượng thực tế nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh trong dạy học.
 2). Thuận lợi. 
 - Được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường , có sự giúp đỡ tận tình của giáo viên bộ môn, sự phối hợp của phụ huynh học sinh.
 - Nhà trường đã có sự chỉ đạo đồng bộ
 - Các trang thiết bị phục vụ giảng dạy được cung cấp tương đối đầy đủ.
 - Mỗi học sinh đều có sách giáo khoa
 - Được bồi dưỡng về trình độ chuyên môn qua các buổi tập huấn thay sách giáo khoa, bồi dưỡng thường xuyên và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp.
- Đa số học sinh yêu thích bôï môn Vật lí với những hiện tượng.
- Đa số các hiện tượng thực tế có liên quan đến bài học đều có thể áp dụng trong việc tích hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
 3). Khó khăn.
- Các em chưa có ý thức về học tập, chưa có động cơ học tập rõ ràng, vào lớp thường không chú ý nghe thầy cô giảng bài, thụ động trong học tập, về nhà không học bài, không làm bài tập, sử dụng sách giải, không chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu. thiếu nổ lực, ý chí khắc phục khó khăn khi gặp phải kiến thức hoặc bài tập khó.
- Hầu hết các học sinh ở vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, chưa xây dựng được nơi chứa và xử lý rác hợp lí nên các em còn ảnh hưởng nhiều ở gia đình về vấn đề bảo vệ môi trường.
III. NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG THỨC, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ:
1. Nguyên tắc:
- Giáo dục bảo vệ môi trường là một lĩnh vực giáo dục liên ngành, tích hợp vào các môn học và các hoạt động. Giáo dục bảo vệ môi trường không phải là ghép thêm vào chương trình giáo dục như là một bộ phận riêng biệt hay một chủ đề nghiên cứu mà nó là một hướng hội nhập vào chương trình. Giáo dục bảo vệ môi trường là cách tiếp cận xuyên bộ môn.
- Mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục bảo vệ môi trường phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của cấp học, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo của cấp học.
- Giáo dục bảo vệ môi trường phải trang bị cho học sinh một hệ thống kiến thức tương đối đầy đủ về môi trường và kĩ năng bảo vệ môi trường, phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Hệ thống kiến thức và kĩ năng được triển khai qua các môn học và các hoạt động theo hướng tích hợp nội dung qua các môn học, thông qua chương trình dạy học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.
- Nội dung giáo dục bảo vệ môi trường phải chú ý khai thác tình hình thực tế môi trường của từng địa phương.
- Nội dung và phương pháp giáo dục bảo vệ môi trường phải chú trọng thực hành, hình thành kĩ năng, phương pháp hành động cụ thể để học sinh có thể tham gia có hiệu quả vào các hoạt động bảo vệ môi trường của địa phương, của đất nước phù hợp với độ tuổi.
- Cách tiếp cận cơ bản của giáo dục bảo vệ môi trường là: Giáo dục về môi trường, trong môi trường và vì môi trường, đặc biệt là giáo dục vì môi trường. Coi đó là thước đo cơ bản hiệu quả của giáo dục bảo vệ môi trường.
- Phương pháp giáo dục bảo vệ môi trường nhằm tạo cho người học chủ động tham gia vào quá trình học tập, tạo cơ hội cho học sinh phát hiện vấn đề môi trường và tìm hướng giải quyết vấn đề dưới sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên.
- Tận dụng các cơ hội để giáo dục bảo vệ môi trường nhưng phải đảm bảo kiến thức cơ bản của môn học, tính logic của nội dung, không làm quá tải lượng kiến thức và thời gian của bài học.
2. Phương thức giáo dục:
- Nội dung giáo dục bảo vệ môi trường được tích hợp trong các môn học thông qua các chương, bài cụ thể. 
Việc tích hợp thể hiện ở 3 mức độ: mức độ toàn phần, mức độ bộ phận và mức độ liên hệ.
+ Mức độ toàn phần: Mục tiêu và nội dung của bài học hoặc chương phù hợp hoàn toàn với mục tiêu và nội dung của giáo dục bảo vệ môi trường.
+ Mức độ bộ phận: Chỉ có một phần bài học có mục tiêu và nội dung giáo dục bảo vệ môi trường.
+ Mức độ liên hệ: Có điều kiện liên hệ một cách logic.
Ở THCS có thể tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường ở tất cả các môn; tuy nhiên một số môn có cơ hội tích hợp nhiều hơn, trong đó có môn Vật lí 
- Các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường ngoài lớp học:
+ Câu lạc bộ môi trường.
+ Hoạt động tham quan theo chủ đề.
+ Điều tra, khảo sát, nghiên cứu tình hình môi trường địa phương, thảo luận phương án xử lí.
+ Hoạt động trồng cây, xanh hóa nhà trường.
+ Tổ chức thi tìm hiểu về môi trường.
+ Hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường.
3. Phương pháp tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường:
Môi trường và các vấn đề môi trường có tính chất đa dạng và phức tạp, chúng liên quan đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học trong trường học. Tuy nhiên, nếu ta chỉ dừng lại ở cách giáo dục môi trường thông qua các môn học được tiến hành một cách độc lập thì khó có thể phản ánh được “bức tranh tổng thể”, “tính bao quát” của môi trường và các vấn đề môi trường. Việc học tập như vậy sẽ gặp khó khăn không chỉ trong việc hình thành những hành động cụ thể mà thậm chí cả trong nhận thức về môi trường và các vấn đề môi trường. Để thể hiện được “tính bao quát” đó cần dạy và học trên môi trường và các vấn đề môi trường cụ thể – tốt nhất đó là môi trường và những vấn đề môi trường gần gũi xung quanh học sinh – tìm hiểu hết tính phức hợp của các nguyên nhân làm nảy sinh chúng đến có nhận thức sâu sắc, sau đó là hình thành kĩ năng, giáo dục thái độ và những hành vi cụ thể để giải quyết những vấn đề cụ thể đó. Việc dạy và học như vậy cùng một lúc sẽ liên quan đến nhiều môn học ở trường THCS, thậm chí cả hoạt động ngoại khóa – trong đó có môn Vật lí. Khi đó, ranh giới giữa các môn học trở nên mờ nhạt và đó là cách tiếp cận xuyên môn học. Có làm như vậy thì ta mới từng bước góp phần hình thành những hành vi cụ thể để giải quyết các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường.
Ngoài việc giáo dục môi trường thông qua các môn học, còn có thêm hình thức giáo dục xuyên môn học. Đây chính là giờ học có liên quan đến nhiều môn học một lúc, thậm chí là cả các giờ học của nhiều môn học kết hợp với các hoạt động ngoài giờ ngoại khóa.
3.1 Thiết kế một đơn vị giáo dục môi trường:
Để thực hiện một đơn vị giáo dục môi trường cần xác định 4 yếu tố:
a. Mục tiêu:
Mục tiêu của hoạt động này giúp học sinh:
- Về kiến thức.
- Về kĩ năng.
- Về thái độ.
b. Các bước thực hiện nhiệm vụ (cá nhân, nhóm):
- Giáo viên giao nhiệm vụ, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
- Học sinh thực hiện nhiệm vụ dưới sự hướng dẫn của giáo viên, trong quá trình thực hiện có sự kiểm tra và điều chỉnh.
- Hoàn thành nhiệm vụ của nhóm.
c. Công bố sản phẩm đã đạt được:
- Các nhóm đối chiếu kết quả đã thực hiện với nhiệm vụ được giao.
- Đại diện các nhóm trình bài kết quả trước lớp.
d. Đánh giá:
- Các nhóm đánh giá tiến trình thực hiện đã tuân thủ kế hoạch chưa.
- Các nhóm thảo luận đánh giá chất lượng kết quả đã đạt được.
- Học sinh phát hiện những điều mới thu hoạch được sau hoạt động, từ đó có thái độ tích cực bảo vệ môi trường và cải tạo môi trường.
3.2 Triển khai giáo dục môi trường:
Ở đây, chúng ta chú trọng việc triển khai giáo dục môi trường thông qua từng tiết dạy của bộ môn Vật lí.
- Trong kiểu triển khai này có 2 nội dung môn học có thể khai thác giáo dục môi trường là:
+ Nội dung chủ yếu của bài học, hoặc một phần nội dung có sự trùng hợp với nội dung giáo dục môi trường.
+ Một số nội dung chủ yếu của bài học, hoặc một số phần nội dung có liên quan với nội dung giáo dục môi trường.
- Các nguyên tắc tích hợp nội dung giáo dục môi trường :
+ Không làm mất tính đặc trưng của môn học. Không biến bài học Vật lí thành bài học giáo dục môi trường.
+ Khai thác nội dung có chọn lọc, tập trung, không tràn lan, tùy tiện.
+ Phát huy cao độ hoạt động tích cực nhận thức của học sinh và các kinh nghiệm thực tế của học sinh, tận dụng cơ hội cho học sinh tiếp xúc trực tiếp với môi trường.
+ Nội dung giáo dục môi trường cần gần gũi, thiết thực, gắn liền với hoạt động thực tiễn của địa phương. 
Bài 26: SỰ BAY HƠI - SỰ NGƯNG TỤ
IV. BÀI GIẢNG MINH HOẠ:
Tuần 32 Tiết 32	
Ngày soạn: .
Ngày dạy: 
I. Mục tiêu 
 1. Kiến thức: 
- Nhận biết được hiện tượng bay hơi, sự phụ thuộc của tốc độ bay hơi vào nhiệt độ, gió và mặt thoáng.
- Biết cách tìm hiểu tác động của một yếu tố lên một hiện tượng khi có nhiều yếu tố cùng tác động một lúc.
- Tìm được ví dụ thực tế về hiện tượng bay hơi và sự phụ thuộc của tốc độ bay hơi vào nhiệt độ, độ ẩm, gió và mặt thoáng.
 2. Kỹ năng: Vạch được kế hoạch và thực hiện được thí nghiệm kiểm chứng tác động của nhiệt độ, gió và mặt thoáng lên tốc độ bay hơi. Rèn kỹ năng quan sát, so sánh, tổng hợp.
 3. Thái độ: 
- Có ý thức bảo vệ bầu không khí trong lành, tránh ảnh hưởng tiêu cực do độ ẩm không khí quá lớn hoặc quá nhỏ gây ra.
- Tích cực tham gia bảo vệ môi trường trong sạch, bảo tồn nguồn tài nguyên nước.
II. Chuẩn bị 
 GV: - Hình vẽ phóng to hình 26 SGK 
 - Dụng cụ TN 
 + Kẹp vạn năng 
 + Hai đĩa nhôm giống nhau 
+ Một ống nhỏ giọt
+ Một bình đựng nước 
 + Đèn cồn 
III. Hoạt động dạy và học 
1. Ổn định lớp: Kiểm diện (1’)
2. Bài mới: (4’)
 GV dùng khăn lau bảng ướt lau lên bảng ít phút sau bảng khô 
 Vậy nước trên bảng biến đâu mất ? 
 Đó chính là nguyên nhân nước mưa trên mặt đường nhựa đã biến mất ở H 26.1 SGK 
 Chúng ta biết các chất luôn tồn tại ở 3 thể rắn, lỏng, khí và cũng chuyển từ thể này sang thể khác. Như tiết trước ta đã học từ thể rắn sang thể lỏng gọi là sự nóng chảy còn từ thể lỏng sang thể hơi gọi là gì? Ta vào tìm hiểu bài học hôm nay.
NỘI DUNG
HOẠT ĐỘNG CỦA GV
HOẠT ĐỘNG CỦA HS
Hoạt động 1: Tìm ví dụ về sự bay hơi (2 phút)
 I. Sự bay hơi 
 VD: phơi quần áo, phơi lúa 
- Gọi HS tự tìm ví dụ ghi vào vở về sự bay hơi của một chất không phải nước 
- GV kết luận mọi chất đều có thể bay hơi
- Phơi lúa, quần áo, .. 
Hoạt động 2: Quan sát hiện tượng bay hơi, rút ra kết luận (10 phút)
 ² Kết luận 
 Sự chuyển từ thể lỏng sang thể hơi gọi là sự bay hơi 
 Tốc độ bay hơi phụ thuộc vào nhiệt độ, gió, mặt thoáng.
 Ngoài ra còn phụ thuộc vào bản chất của chất lỏng 
- GV HD HS quan sát hình SGK cho HS so sánh được quần áo giống nhau, cách phơi giống nhau, ở nhiệt độ khác nhau 
- Gọi HS trả lời C1 
- Tương tự cho HS quan sát hình B và trả lời C2 
- Quan sát hình C trả lời C3 :
+ Nhận xét sự bay hơi phụ thuộc vào những yếu tố nào? 
- GV giải thích thêm sự bay hơi của chất lỏng còn phụ thuộc vào bản chất của chất lỏng
+ Tóm lại tốc độ bay hơi phụ thuộc vào những yếu tố nào? 
- GV cho HS ghi bài 
- Cách phơi đồ giống nhau 
+ Phụ thuộc vào nhiệt độ 
+ Phụ thuộc vào gió 
+ Phụ thuộc vào mặt thoáng 
- Phụ thuộc vào nhiệt độ, gió, mặt thoáng và bản chất của chất lỏng 
- HS ghi bài 
Hoạt động 3: Thí nghiệm kiểm tra (15 phút)
- Tốc độ bay hơi phụ thuộc vào ba yếu tố ta sẽ làm TN kiểm tra từng yếu tố 
- GV HD HS làm TN kiểm tra 
+ Theo các em muốn kiểm tra tác động của nhiêt độ vào tốc độ bay hơi ta làm TN thế nào? 
- Nghiên cứu tốc độ bay hơi phụ thuộc vào yếu tố nào thì các yếu tố còn lại giữ không đổi 
+ Vậy kiểm tra sự tác động của nhiệt độ vào tốc độ bay hơi thì phương án TN : Các dụng cụ cần chuẩn bị, cách tiến hành ra sao ? 
- HD HS tìm ra phương án TN 
- HD HS làm TN theo nhóm và rút ra kết luận 
- GV gọi HS trả lời các câu hỏi 
+ Tại sao dùng dụng cụ có cùng diện tích ? 
+ Tại sao lại làm trong phòng kín ? 
+ Tại sao lại chỉ hơ nóng một đĩa ? 
- Yêu cầu HS vạch kế hoạch kiểm tra tác động của gió và mặt thoáng 
- Rút ra kết luận khẳng định lại dự đoán.
- Dùng dụng cụ có cùng diện tích mặt thoáng và trong phòng không có gió 
- HS thảo luận đưa ra phương án 
- HS nhận dụng cụ TN và lắp dụng cụ 
- Dùng kẹp vạn năng kẹp vào mép đĩa điều chỉnh cho đĩa nhôm khớp với ngọn lửa. Đĩa thứ 2 để trên bàn để đôi chứng 
Quan sát sự bay hơi của hai đĩa 
- Nhận xét:
+ Có cùng diện tích mặt thoáng
+ Không ảnh hưởng của gió 
+ Để kiểm tra nhiệt độ 
- HS vạch kế hoạch xin ý kiến của GV 
Hoạt động 5: Vận dụng (15 phút)
 ² Dặn dò 
- HD HS thảo luận trả lời C9 
- Gọi HS trả lời C10 
- GV cung cấp thông tin: Do nước trên bề mặt trái đất liên tục bay hơi, do hoạt động của con người và động vật, quá trình quang hợp và thoát hơi nước của cây xanh nên trong không khí luôn có một lượng hơi nước nhất định tạo thành độ ẩm trong không khí. Nếu độ ẩm không khí cao thì nước không thể bay hơi. 
- GV hỏi:
+ Hãy nêu những tác hại của độ ẩm không khí cao đối với đời sống con người?
+ Để giảm thiểu những ảnh hưởng đó, mỗi người chúng ta cần phải làm gì?
+ Độ ẩm không khí cao gây bất lợi cho con người. Vậy còn độ ẩm không khí quá thấp sẽ có ảnh hưởng như thế nào?
+ Để giảm thiểu những ảnh hưởng đó, mỗi người chúng ta cần phải làm gì?
- Về nhà làm 2 TN còn lại, tìm ví du.ï 
- Làm bài tập 26.27.2,3 
- Trả lời câu hỏi bài 27:“Sự bay hơi - Sự ngưng tụ (tt)” 
- HS trả lời 
+ Giảm bớt sự thoát hơi nước 
 + Nắng nóng có gió thoát hơi nước nhanh 
- Lắng nghe ghi nhớ thông tin.
- Trả lời câu hỏi:
+ Làm quá trình bay hơi xảy ra chậm làm con người mệt mỏi, khó chịu, quần áo lâu khô.
+ Tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, nước ứ đọng trong cống rãnh tạo điều kiện phát triển cho muỗi.
+ Làm kim loại chóng bị ăn mòn, giảm tuổi thọ công trình xây dựng.
+ Gây sương mù cản trở giao thông.
+ Mỗi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm tạo điều kiện cho nước bay hơi nhanh.
+ Sơn phủ các đồ vật bằng gỗ tránh nấm mốc, sơn các đồ vật kim loại bằng sơn chống gỉ, tạo nơi làm việc thông thoáng nhiều ánh nắng mặt trời.
+ Độ ẩm không khí quá thấp làm nước bốc hơi nhanh dẫn đến khô hạn, thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
+ Độ ẩm quá thấp cũng ảnh hưởng đế sinh hoạt: da khô, cổ họng khô rát dẫn đến ho và xuất huyết phế quản.
+ Tích trữ đủ nước vào mùa khô.
+ Tăng cường trồng nhiều cây xanh che phủ đất, trồng rừng để giữ nước.
+ Sử dụng các biện pháp bảo vệ cơ thể: tránh da tiếp xúc trực tiếp với không khí, dùng khẩu trang khi đi đường 
V. KẾT LUẬN:
Qua bài học có tích hợp giáo dục môi trường thì học sinh dễ nắm bắt thông tin bài học và đồng thới các em có ý thức về môi trường và các tác động xấu của việc ô nhiễm môi trường. Từ đó, các em sẽ có những hành động cụ thể để giảm thiểu việc làm ô nhiễm môi trường. 
Trên đây là một vài góp ý của tôi nhằm giáo dục cho học sinh có nhận thức đúng về môi trường và có hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, rất mong sự góp ý của quý đồng nghiệp. Xin chân thành cám ơn!
Tân Thành, ngày 07 tháng 03 năm 2010
 Người viết
 Lê Hồng Loan

Tài liệu đính kèm:

  • docGiao duc moi truong.doc