Nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong Tiếng Tiệt đối chiếu với Tiếng Nga - Trần Thị Hiền

Nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong Tiếng Tiệt đối chiếu với Tiếng Nga - Trần Thị Hiền

TÓM TẮT

Ngữ nghĩa học là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa hình thức diễn đạt và cái được diễn đạt. Ngữ nghĩa học chủ yếu nghiên cứu “những quy luật tinh thần” trong ngôn ngữ, tức là nghiên cứu ý nghĩa của từ trong mối quan hệ của nó với các yếu tố khác. Muốn hiểu nghĩa của một từ thì phải biết xác định ở mỗi lần xuất hiện của từ ấy, cái mà nó chỉ định là gì.

Bài viết trình bày cấu trúc ngữ nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga, qua đó muốn làm phong phú thêm vốn từ của mình cũng như khả năng sử dụng chúng trong những tình huống hoàn cảnh nói năng khác nhau.

 

doc 6 trang Người đăng lananh572 Lượt xem 854Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong Tiếng Tiệt đối chiếu với Tiếng Nga - Trần Thị Hiền", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHĨA CỦA CÁC TỪ BIỂU THỊ SỰ NÓI NĂNG
TRONG TIẾNG VIỆT ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG NGA
ON THE MEANING OF VIETNAMESE SPEECH EXPRESSIONS IN CONTRAST WITH RUSSIAN 
TRẦN THỊ HIỀN
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
Ngữ nghĩa học là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa hình thức diễn đạt và cái được diễn đạt. Ngữ nghĩa học chủ yếu nghiên cứu “những quy luật tinh thần” trong ngôn ngữ, tức là nghiên cứu ý nghĩa của từ trong mối quan hệ của nó với các yếu tố khác. Muốn hiểu nghĩa của một từ thì phải biết xác định ở mỗi lần xuất hiện của từ ấy, cái mà nó chỉ định là gì.
Bài viết trình bày cấu trúc ngữ nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga, qua đó muốn làm phong phú thêm vốn từ của mình cũng như khả năng sử dụng chúng trong những tình huống hoàn cảnh nói năng khác nhau.
ABSTRACT
Semantics is a science studying the relationship between the form and content of what is expressed. Semantics mainly studies the spiritual principles of languages, that is to say studying word meanings related to other elements. In order to understand the meaning of a word, it is to define what is indicated at each time of its appearance.
This paper is aims at presenting the semantic structure of Vietnamese speech expressions in contrast with Russian. The writer would like to enrich her vocabulary and the ability of using words in various situations of speech performance.
1. Đặt vấn đề
	Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, việc học ngoại ngữ ngày càng đóng vai trò quan trọng và cần thiết. Người học không những phải trang bị cho mình một vốn từ vựng phong phú mà còn cần có khả năng sử dụng những từ vựng đó đúng với những tình huống và hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Việc nắm vững nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng rất quan trọng. Xuất phát từ ý nghĩa lý luận là làm rõ luận điểm về mối quan hệ giữa ngôn ngữ (язык) và lời nói (речь), và cũng xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn là góp một phần nhỏ vào việc dạy học ngoại ngữ. Do vậy, chúng tôi chọn “Nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga” làm đối tượng nghiên cứu. 
2. Hành vi nói năng
2.1. Ngôn ngữ và lời nói
	Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu tồn tại trong bộ óc của những người cùng nói một thứ tiếng. Nó chỉ được thể hiện ra trong lời nói và bằng lời nói.
	Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội đặc biệt chỉ có ở loài người, là sản phẩm mà người nói ghi nhận một cách thụ động, một sản phẩm tập thể được xây dựng trong quá trình lao động sản xuất của xã hội loài người. Sản phẩm được tàng trữ nhờ có ký ức dưới dạng tiềm năng trong bộ óc của mỗi người giống như một pho từ điển mà tất cả các bản tin giống hệt nhau được phân phối cho từng cá nhân. Như là một cái mã chung của cả cộng đồng, ngôn ngữ làm cho “những hình ảnh thính giác” ăn khớp với những khái niệm, còn lới nói là sự vận dụng cái mã này của người nói. Do đó, mọi hoạt động của ngôn ngữ đều thuộc phạm vi lời nói. Lời nói là hành động cụ thể, thay đổi từ người này sang người khác. 
	Như Saussure đã nói: “Tách ngôn ngữ khỏi lời nói là đồng thời người ta cũng tách luôn: Cái gì có tính chất xã hội với cái gì có tính chất cá nhân; cái gì có tính chất cốt yếu với cái gì có tính chất phụ thuộc hay ít nhiều có tính chất ngẫu nhiên.” [4, Tr.96]
	Mặt khác, để đảm bảo chức năng thông báo, ngôn ngữ phải được ổn định trong thời gian tương đối dài. Còn lời nói là hành động cá nhân có tính chất nhất thời và luôn đổi mới. Ngôn ngữ là cái cần thiết để cho lời nói có thể biểu hiện được tất cả hiệu lực của nó. Ngược lại, lời nói là phương tiện tồn tại của ngôn ngữ. Không những lời nói là cần thiết cho ngôn ngữ xác lập mà còn cần thiết cho nó phát triển nữa. Không có tính tự do, sáng tạo, tính đa dạng của lời nói thì ngôn ngữ không trở thành một công cụ tinh vi, tế nhị để diễn đạt mọi tư tưởng tình cảm của con người trong những hoàn cảnh khác nhau.
2.2. Khái niệm hành vi nói năng trong quá trình giao tiếp
	Trong quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ, người ta dùng lời nói để truyền đạt tư tưởng tình cảm của mình. Hành vi giao tiếp bằng ngôn ngữ ấy là sự nói năng. Nhóm từ biểu thị sự nói năng naỳ rất phong phú và đa dạng. Hành vi giao tiếp (cũng là hành vi nói năng) bao gồm hành vi NÓI và tiếp nhận LỜI, có thể được hiểu qua quá trình nói và nghe. Hành vi giao tiếp bằng lời thể hiện mối quan hệ cá nhân giữa chủ thể giao tiếp và khách thể giao tiếp.
	Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ là công cụ thông báo, nên thực chất của ngôn ngữ học là tìm hiểu ngữ nghĩa của câu nói. Mà nghĩa của câu nói - đơn vị của lời nói (речевая единица) thì khác với nghĩa của câu - đơn vị của ngôn ngữ (языковая единица). Cho nên có khi biết nghĩa của từng từ mà vẫn không hiểu nghĩa của câu nói là gì. Ngược lại, có hiểu nghĩa của câu nói mới rút ra được đầy đủ nghĩa của những từ đã được thực hiện hóa trong đó. Sở dĩ như vậy là bởi câu nói còn tùy thuộc vào tình huống phát ngôn, vào nhiều nhân tố khác nữa.
	Nói: 	Hay thật! Có nghĩa là “không hay”
	Trời đẹp nhỉ! Có nghĩa là “chúng ta chưa có điều gì để nói với nhau”
	Tình huống của lời nói là tất cả hoàn cảnh trong đó diễn ra một hành vi phát ngôn. Nó rất đa dạng. Có thể là môi trường vật lý và xã hội trong đó câu nói xuất hiện. Tình huống còn có thể là những vấn đề có liên quan đến tông tích của những người đối thoại. Họ là ai? Ý kiến của họ đối với nhau ra sao?...
	Miêu tả một câu nói mà không đề cập đến hành vi là sự ứng phó của nó trong một số kiểu tình huống khác nhau của nó được sử dụng là một thiếu sót. Tình huống giúp xác định tính chất của hành vi ngôn ngữ được hoàn thành.
	Chẳng hạn câu nói: “Anh làm việc này ngày mai.” Có thể hiểu như một lời hứa hẹn, hay một mệnh lệnh của cấp trên hoặc như một lời thông báo của một người nào đó.
	Những thực tế trên đây chứng tỏ tình huống của một câu nói là rất quan trọng. Cần phải xác định vị trí của nó như thế nào trong một lý thuyết ngôn ngữ học.
	Ví dụ: Ba giá trị định ngôn theo hoàn cảnh của câu: “Anh làm việc này ngày mai.” Có thể diễn đạt theo 3 cách:
	- Tôi ra lệnh cho anh làm việc này ngày mai (mệnh lệnh của người giám đốc)
	- Anh làm việc này ngày mai (hứa hẹn của cấp trên)
	- Đồng chí bí thư nói: “Anh làm việc này ngày mai” (thông báo)
	Vậy nếu một câu nói E phải dựa vào một số nét tình huống mới hiểu được, thì phải cần đưa những yếu tố biểu thị hành vi nói năng ấy vào câu nói E để cho nó được giải phóng về mặt tình huống.
3. Nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt và tiếng Nga
	Hành vi nói năng có thể biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt và tiếng Nga cũng như bất kỳ ngôn ngữ nào. Vấn đề quan tâm nghiên cứu ở đây là hành vi nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga, trên cơ sở lấy hành vi nói năng trong tiếng Việt làm nền tảng để nghiên cứu, đánh giá.
3.1. Nhóm từ biểu thị hành vi nói năng trong tiếng Việt
	Trong tiếng Việt nhóm từ biểu thị hành vi nói năng khá phong phú và đa dạng. Xét về mặt hình thái, trong nhóm từ ngữ này có những từ đơn âm tiết, thuộc vốn từ cơ bản như: nói, kể, hỏi, đáp, kêu, la, mắng, nhiếc, khuyên, bảo... và có từ láy như: nài nỉ, năn nỉ, bàn bạc, nói năng, lảm nhảm, cằn nhằn,... Ngoài ra, còn có một số đáng kể những đơn vị thành ngữ như: bụng bảo dạ, cãi chày cãi cối, rát cổ bỏng họng, cà riềng cà tỏi, câm như hến, dây cà ra dây muống...
	Xét về nhiều mặt ta thấy “Nói” là từ trung tâm trong nhóm từ ngữ này vì: 
	- Nghĩa của từ NÓI bao quát được những nét cơ bản, có giá trị phạm trù trong cơ cấu nghĩa của các từ trong nhóm.
	- Nó có tính chất trung hòa về phong cách và sắc thái biểu cảm. Vì những lẽ ấy, NÓI thường được sử dụng như một tiền đề để giải thích nghĩa của các từ ngữ còn lại trong nhóm.
3.2. Nhóm từ biểu thị hành vi nói năng trong tiếng Nga
Trong tiếng Nga nhóm từ biểu thị sự nói năng cũng khá phong phú và đa dạng. Ở đây, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu nhóm từ ngữ sau đây: 
говорить, звать, отвечать, общаться, сознаться, объяснять, напоминать, повторять, комментировать, разговаривать, рассказывать, объявлять, шептать, сообщать, излагать, спрашивать, спорить, обсуждать, дискутировать, предлагать, просить, конфликтовать, требовать, приказывать, предупреждать, убеждать, обещать, класться, советовать, кричать, плакать.
	Cấu trúc ngữ nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Nga thường bao gồm ít nhất hai nghĩa.
	- Nghĩa biểu thị bản thân hành vi nói năng
	- Nghĩa biểu thị sự giao tiếp bằng lời
	Xét về nhiều mặt говорить/сказать là từ trung tâm trong nhóm từ ngữ này vì nghĩa của từ говорить/сказать bao quát được những nét nghĩa cơ bản có giá trị phạm trù cơ cấu nghĩa của các từ trong nhóm.
	Ví dụ:	Мы говорим по-русски.
	Скажите, пожалуйста, как вас зовут?
	Скажи, как тебя зовут? [1, Tr.45]
	Cặp động từ говорить/сказать là thành tố nghĩa biểu thị khái niệm phạm trù, nghĩa là chúng được dùng làm thành tố cơ bản chung trong cơ cấu nghĩa của từ ngữ đang xét. Chúng là cơ sở để qui những từ ngữ này về một nhóm từ vựng ngữ nghĩa thống nhất.
3.3. Nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga
	Ở đây chúng ta cần hiểu nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga. Và chúng ta xét xem hai từ tương đương NÓI và ГОВОРИТЬ là gì trong cơ chế giao tiếp bằng ngôn ngữ.
3.3.1. Giống nhau: NÓI là hành vi phát ra thành tiếng, thành lời, nghĩa là biểu thị bản thân hành vi nói năng.
Ví dụ: 	a. Tôi nói đồng bào nghe rõ không? (Hồ Chí Minh)
	 	 Я говорю, вы хорошо слышите? [1, Tr.50]
	b. Nghe như có ai đang nói! [9, Tr.254]
	 	 Кто-то говорит! [1, Tr.47]
Sử dụng từ NÓI ở hai câu này là tương đương với nhau.
3.3.2. Khác nhau: NÓI là hành vi giao tiếp bằng lời.
Ví dụ: 	a. Người ta hỏi mà nó chẳng thèm nói. [9, Tr.292]
	 	 Спрашивают, но он не отвечает. [1, Tr.46]
	b. Nói mà nó không chịu nghe [9, Tr.243]
 	 	 Советуют, но он не слушает. [1, Tr.52]
	c. Đã nói thì phải làm. [9, Tr.405]
	 	 Обещайте- то выполните. [1, Tr.54]
“Nói” ở câu (a) tương đương với “trả lời”
“Nói” ở câu (b) tương đương với “khuyên bảo”
“Nói” ở câu (c) tương đương với “hứa”
Như vậy, ở các ví dụ (a), (b), (c) ”nói” và “говорить” được hiểu với các dạng thức khác nhau. “Nói” được sử dụng với tư cách là từ với nghĩa trung hoà hoá của trả lời, khuyên bảo, hứa trong những ngữ cảnh nhất định của cơ chế giao tiếp.
Còn LỜI vừa là hệ quả, vừa là phương tiện của hành vi giao tiếp. Lời thể hiện nội dung, cách nói và mục đích của chủ thể giao tiếp. Đồng thời, Lời cũng là đối tượng nhận hiểu của khách thể giao tiếp.
	Ví dụ: 	Anh ấy hứa đến đúng giờ.
	Он обещал прийти вовремя. [7, Tr.560, T.1]
Nếu diễn đạt bằng lời thì Обещать là nói ra một cách trang trọng mà nội dung của lời nói ấy là điều được người nói đảm bảo người nghe chắc chắn sẽ được thực hiện trong tương lai.
	Ví dụ: 	a. Em hứa đi!
	b. Em hứa sẽ vâng lời cha mẹ. [9, Tr.273]
Cũng như ở ví dụ trên, nếu diễn đạt bằng lời “hứa” trong câu b nhằm chuyển tải nội dung là: điều được chủ thể giao tiếp nói sẽ được thực hiện trong tương lai.
Xét một ví dụ khác trong tiếng Nga. 	“Чёрный пёс лежит в саду” [1, Tr.93]
Câu nói trên có thể hiểu như một sự báo trước (предупреждение), một lời hứa (обещание), hoặc như một lời thông báo (собщение).
	Tuy nhiên khi sử dụng các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Nga, khách thể giao tiếp nhận biết ngay được mục đích của chủ thể giao tiếp, tránh được sự mơ hồ, nhầm lẫn.
	a. Я предупреждаю вас о том, что чёрный пёс лежит в саду. (предупреждение) [7, Tr.140, T.2]
	b. Я обещаю вам о том, что чёрный пёс лежит в саду. (обещание) [7, Tr.560, T.1]
	c. Я говорю вам о том, что чёрный пёс лежит в саду. (собщение) [7, Tr.178, T.1]
	Trong câu (a) người nói muốn báo cho người nghe một mối nguy hiểm đang chờ ở phía trước, cần phải cẩn thận đề phòng. 
	Trong câu (b) người nói hứa với người nghe rằng bằng cách nào đó anh ta sẽ đem tới cho người nghe cái mà người muốn.
	Trong câu (c) người nói muốn khẳng định với người nghe rằng có sự hiện diện của “chó dữ trong vườn”.
	Như vậy việc tìm hiểu bản chất cơ chế giao tiếp bằng lời nói giúp chúng ta hiểu được mối tương tác. mối quan hệ cá nhân giữa chủ thể và khách thể giao tiếp. Sản phẩm của hành vi nói năng (là lời) bao gồm: Mục đích nói, nội dung nói và cách nói. Trong bối cảnh giao tiếp nhất định, khi chủ thể giao tiếp thực hiện hành vi nói năng là muốn đối tượng giao tiếp nhận hiểu được nội dung, mục đích và cách nói. Tuy nhiên khi thể hiện hành vi giao tiếp mà sản phẩm của hành vi đó là lời, chủ thể giao tiếp với nội dung nhất định nhằm truyền đạt đến người nghe những mục đích khác nhau của lời nói, đó là: 
	- Những thông tin có tính chất thông báo thông thường.
	Ví dụ: Он говорит, что он идёт в институт. [1, Tr.25]
	- Những lời khuyên răn, bảo ban.
	Ví dụ: Учитель советует своим ученикам: “Вам надо хорошо учиться” [1, Tr.78]
	- Những lời thông báo, dự báo trước, ngăn cản.
	Ví dụ: Я предупреждаю вас о том, что чёрный пёс лежит в саду. [7, Tr.140 T.2]
	- Những lời ra lệnh hoặc cầu xin.
	Ví dụ: Милиционер спрашивает преступника: “Скажите, как вас зовут?” [1, Tr.108]
	Vấn đề nảy sinh ở đây là mối tương tác, mối quan hệ liên cá nhân giữa chủ thể giao tiếp và khách thể giao tiếp thể hiện như thế nào.
	- Khi muốn truyền đạt những thông tin có tính chất thông báo thông thường thì không có sự phân biệt về ngôi thứ, địa vị xã hội, cấp bậc, vai vế giữa người nói và người tiếp nhận lời. 
	- Khi muốn truyền đạt những lời khuyên răn, dạy bảo thì thông thường cần phải có sự phân biệt về ngôi thứ giữa người nói và người nghe, chẳng hạn chỉ những người lớn hơn về mặt tuổi tác mới đủ tư cách khuyên bảo những người nhỏ tuổi hơn mình, hoặc những người có trách nhiệm khuyên bảo những người thuộc trách nhiệm của mình (VD: một bác sĩ khuyên bệnh nhân của mình) hoặc những người cùng trang lứa khuyên nhau.
	- Khi muốn truyền đạt những mệnh lệnh thì chỉ có cấp trên dùng cho cấp dưới, người lớn ra lệnh cho trẻ nhỏ đòi hỏi mệnh lệnh phải được thi hành ngay, và mệnh lệnh này mang tính chất bắt buộc và đôi khi còn chỉ sự cấm đoán.
	- Khi muốn truyền đạt những câu hứa hẹn, thề thốt, người nói muốn chuyển tải một nội dung là: Điều được họ nói ra chắc chắn sẽ được thực hiện trong tương lai.
	Phân tích nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng là sự phân tích từ góc độ của người nói. Từ góc độ này chúng ta có sự phân biệt giữa câu trần thuật (khẳng định, phủ định) với câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm thán. Sự phân biệt này rõ ràng là có căn cứ. Và ứng với câu mang những mục đích khác nhau ấy, có những từ ngữ chuyên dùng để biểu thị hành vi phát ra thành lời tương ứng.
	Trên cơ sở phân tích nghĩa của các từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga đứng từ góc độ của chủ thể giao tiếp chúng ta có thể phân nhóm từ ngữ nêu trên thành những nhóm khác nhau tùy thuộc vào mục đích nói năng của chủ thể giao tiếp.
	1. Thật vậy, để trần thuật có những từ như: говорить, звать, отвечать, общаться, сознаться, объяснять, напоминать, повторять, комментировать, разговаривать, рассказывать, объявлять, шептать, сообщать, излагать.
	2. Để hỏi: спрашивать.
	3. Để bàn bạc, tranh cãi, có những từ ngữ: спорить, обсуждать, дискутировать, предлагать, просить, конфликтовать.
	4. Để cầu khiến có những từ: советовать, требовать, приказывать, предупреждать, убеждать.
	5. Để hứa hẹn, thề thốt có những từ ngữ như: обещать, класться
	6. Để biểu lộ sự xúc cảm, than vãn... có những từ như: советовать, кричать, плакать.
	Dựa trên cơ sở đã phân tích, chúng ta nhận thấy không phải là toàn bộ cấu trúc ngữ nghĩa của các từ thuộc nhóm đang xét ở trên đều biểu thị sự nói năng. Chỉ có những nghĩa thoả mãn tối thiểu 2 điều kiện sau đây mới biểu thị sự nói năng.
	- Nghĩa biểu thị bản thân hành vi nói năng.
	- Nghĩa biểu thị sự giao tiếp bằng lời.
	Ở đây nghĩa là phải diễn ra quá trình nói và nghe (tiếp nhận lời) giữa chủ thể và khách thể giao tiếp trong một tình huống giao tiếp nhất định. 
4. Kết luận 
	Như vậy ta thấy nhóm từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Việt có thể là những động từ đơn âm tiết, có thể là từ láy, có thể là thành ngữ như đã đề cập ở trên. Còn nhóm từ biểu thị sự nói năng trong tiếng Nga thuộc lớp từ loại động từ. Cấu trúc ngữ nghĩa của chúng cũng mang tối thiểu hai nghĩa: nghĩa ngữ pháp và nghĩa từ vựng. Xét về nghĩa từ vựng thì các từ ngữ này đều có thể là những từ nhiều nghĩa. Tuy nhiên, đã là các từ biểu thị hành vi nói năng thì phải bao gồm ít nhất hai nghĩa: Nghĩa biểu thị hành vi phát ra thành tiếng, thành lời và nghĩa biểu thị sự giao tiếp bằng lời.
	Các từ biểu thị nói năng trong tiếng Việt đối chiếu với tiếng Nga khá phong phú, đa dạng về nghĩa. Bên cạnh những nghĩa biểu thị bản thân hành vi nói năng còn tồn tại những nghĩa không biểu thị hành vi nói năng. Việc nắm bắt toàn bộ cơ cấu ngữ nghĩa của nhóm từ này không phải vấn đề đơn giản. Vì vậy việc dạy học ngữ nghĩa của nhóm từ này nên được trang bị cho người học một khái niệm khái quát về khả năng thể hiện nhiều nghĩa của từ. Chúng ta cần biết rằng hiện tượng phong phú về nghĩa của từ là hiện tượng phổ biến trong các ngôn ngữ, không riêng gì ở tiếng Việt hay tiếng Nga. Vì vậy bài viết này muốn làm phong phú thêm vốn từ của mình cũng như khả năng và sử dụng chúng trong những tình huống, hoàn cảnh nói năng khác nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Акишина А.А; Формановская Н.И., Русский речевой зтикет, Изд. “Русский язык”, Москва, 1981.
Виноградов В.В., Русский язык, Изд. “Русский язык”, Москва, 2001.
Панфилов В.С., Грамматический Строй вьетнамского языка, Санкт-петербург, 1993.
Saussure, Ferdinand, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB KHXH, Hà Nội, 1973.
Đỗ Hữu Châu, Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, NXB KHXH, Hà Nội, 1986.
Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, NXB ĐH&THCN, Hà Nội, 1987.
Аликанов. К.М., Иванов В.В., Малоханова И. А., Русско-вьетнамский словарь(в двух томах), Изд. “Русский язык”, Москва, 1979.
Ожегов С. П., Словарь русского языка, Изд. “Русский язык”, Москва, 1984.
Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, NXB Văn học, Hà Nội, 1994.

Tài liệu đính kèm:

  • docbai De kiem tra.doc