Thăm núi Ba Vì

Thăm núi Ba Vì

Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Đây là nơi ngự trị muôn đời của thần Tản Viên (tức Sơn Tinh), một trong "tứ bất tử" theo tín ngưỡng của người Việt.

Ba Vì là một dãy núi lớn bao gồm nhiều ngọn, chiếm diện tích trên 5.000 ha, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Ngọn núi này cách nội thành Hà Nội hơn 60 km về phía tây với đường giao thông thuận lợi, đường ôtô lên tận đỉnh.

Ngọn núi cao nhất là Ngọc Tản, cao 1.281 m, giữa thắt cổ bồng, trên xoè tròn như cái tán, bốn mùa mây trắng bao phủ. Trên núi có đền Thượng thờ thần núi Tản Viên; lưng chừng núi có đền Trung, tương truyền là nơi Thần thường ngồi chơi ngắm cảnh; dưới chân núi là đền Hạ.

Nằm trong dãy Ba Vì còn có các núi Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi. Ba Vì có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành. Ở độ cao 400 m và 600 m là hai nơi nghỉ mát có tiếng từ thời Pháp thuộc. Tại khu vực này, hiện có tới 200 biệt thự và khách sạn nghỉ an dưỡng.

 

doc 5 trang Người đăng phuongnga36 Lượt xem 825Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Thăm núi Ba Vì", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thăm núi Ba Vì
Non nước Ba Vì.
Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Đây là nơi ngự trị muôn đời của thần Tản Viên (tức Sơn Tinh), một trong "tứ bất tử" theo tín ngưỡng của người Việt. 
Ba Vì là một dãy núi lớn bao gồm nhiều ngọn, chiếm diện tích trên 5.000 ha, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Ngọn núi này cách nội thành Hà Nội hơn 60 km về phía tây với đường giao thông thuận lợi, đường ôtô lên tận đỉnh.
Ngọn núi cao nhất là Ngọc Tản, cao 1.281 m, giữa thắt cổ bồng, trên xoè tròn như cái tán, bốn mùa mây trắng bao phủ. Trên núi có đền Thượng thờ thần núi Tản Viên; lưng chừng núi có đền Trung, tương truyền là nơi Thần thường ngồi chơi ngắm cảnh; dưới chân núi là đền Hạ.
Nằm trong dãy Ba Vì còn có các núi Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi... Ba Vì có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành. Ở độ cao 400 m và 600 m là hai nơi nghỉ mát có tiếng từ thời Pháp thuộc. Tại khu vực này, hiện có tới 200 biệt thự và khách sạn nghỉ an dưỡng.
Du khách có thể đi thăm vườn quốc gia Ba Vì, leo lên các đỉnh núi như đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa. Từ đây có thể quan sát cả một vùng đồng bằng rộng lớn với đồng ruộng, thành phố, làng mạc, sông hồ. Sông Đà uốn lượn quanh chân núi ở phía Tây, hồ Suối Hai mênh mông trải rộng ở phía Đông, nhờ vậy mà tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Dưới chân núi Ba Vì là hồ Suối Hai, cách Hà Nội hơn 60 km về phía Tây với đường giao thông khá thuận lợi, có đường ôtô đến ven hồ. Đây là hồ nhân tạo, được khởi công xây dựng từ tháng 12/1958. Hồ có hệ thống đập chính và phụ dài 4 km để giữ nước từ 2 suối chính Yên Cư và Cầu Rồng, từ núi Ba Vì chảy xuống làm nguồn nước tưới cho trên 7.000 ha đất canh tác. Hồ Suối Hai dài 7 km, rộng 4 km. Trong lòng hồ có tới 14 đảo lớn nhỏ, diện tích khoảng 90 ha. Trên các đảo và ven hồ trồng nhiều cây ăn trái. Hàng vạn con chim hoang dã như le le, vịt trời, ngỗng trời, mòng, két, sâm cầm, giang, sếu... tụ tập trên mặt nước làm cho cảnh quan thiên nhiên sinh động.
Đền Và - “Đoài phương tĩnh nhất khu” (25/10/2006) 
Nắng thu trên đỉnh Ba Vì.
Đền Và còn có tên gọi khác là Đông cung - là một trong hệ thống Tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài. Theo đó, Bắc cung thuộc làng Thư Xá, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc);
Nam cung thuộc làng Yên Cư, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây); Tây cung thuộc làng Thủ Pháp, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) và Đông cung - đền Và, thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây). Là nơi thờ Tam vị đức thánh Tản, sắc phong Tam vị Quốc chúa thượng đẳng thần là Đệ nhất phúc thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam thiên thần tổ - vị tổ của bách thần ở phương Nam - cũng là vị thần đứng đầu Tứ bất tử (tức Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn thánh) và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công).
Tọa lạc trên một quả đồi rộng và thấp, thâm u bóng lim cổ thụ, bao quanh là những bức tường xây bằng đá ong, đền Và có tổng diện tích khoảng trên dưới 2.000m2. Khu vực bên ngoài là dinh thờ Ngũ hổ, động Sơn Trang thờ Mẫu Thượng Ngàn và giếng Cô Tiên. Tam quan (hay còn gọi là Nghi môn) đền nổi lên bên tán đại già có đến vài trăm năm tuổi, hướng về phía núi Tản Viên. Qua Tam quan, vào khu vực Ngoại cung là một khoảng sân rộng, lát gạch, bên trái có gác chiêng, bên phải có gác trống, được kiến trúc theo kiểu chồng diêm tám mái. Kế đến là nhà tiền tế (được gọi là đền Hạ) với hai dãy tả, hữu mạc hai bên, thuộc khu vực Nội cung. Theo nội dung tấm bia Vân Già đông trấn cung ký dựng ở đầu hồi nhà tiền tế năm Tự Đức thứ 36, thì đền Và đã có từ thời nước ta còn bị nhà Đường đô hộ nhưng quy mô nhỏ. Đền đã qua tu tạo, sửa chữa nhiều lần. Nhà tiền tế có kiến trúc hình chữ nhất (-), năm gian, để trống bốn bề, treo rất nhiều hoành phi, câu đối, trong đó đáng chú ý có bức hoành phi bằng đá với bốn chữ: Sơn dữ thiên tề (núi cao ngang trời). Thông với nhà tiền tế (đền Hạ) là gian ngoài của hậu cung (đền Trung). Tại đây, có hai pho tượng: Một văn, một võ (văn võ lưỡng ban) trong tư thế ngồi, quay mặt vào nhau và bốn pho tượng Tứ trấn kích cỡ tương đương người thật, mỗi bên hai vị, đứng đối diện nhau, mặc áo bào đỏ, tay cầm vũ khí - là bốn vị trấn ở bốn cung của Tam vị đức thánh Tản. Qua đền Trung đến gian trong của hậu cung (đền Thượng). Ngay ở vị trí trang trọng của thượng cung là bức đại tự với dòng chữ: Thượng đẳng tối linh có niên đại năm Tự Đức - Quý Mùi (1883). Phía trong cùng của hậu cung là một chiếc khám lớn sơn son thếp vàng, cao trên ba mét, trong đặt bài vị đức Quốc mẫu là bà Đinh Thị Điên (tục gọi là bà Đen), mẹ của Đức thánh Tản. Phía trước bài vị đức Quốc mẫu là bài vị Tam vị đức thánh Tản: Ở bên tả và cao nhất là Tản Viên, kế đến Cao Sơn và cuối cùng là Quý Minh. Trước khám thờ là hương án, trên có ba cỗ long ngai của Tam vị đức thánh Tản, cỗ long ngai của Tản Viên ở giữa.
Hiện ở đền Và còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Sắc phong của các triều đại, các đồ tế tự (trong đó có hai cây đèn đá thời Lê) và đặc biệt là những tấm ván gỗ khắc văn thơ của các danh sĩ như: Nguyễn Khản, Nguyễn Thiện Kế, Trần Lê Nhân... khiến cho không gian thiêng và không gian văn hóa ở đây hòa quyện vào nhau, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài.
Xuân Thu nhị kỳ, lễ hội đền Và được tổ chức một năm hai lần vào các ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng và từ 14 đến 15 tháng Chín (âm lịch). Lại định ba năm một lần, vào các năm: Tí, Ngọ, Mão, Dậu, tổ chức đại hội.
Lễ hội Rằm tháng Giêng ở đền Và là lễ hội của một vùng. Những năm đại hội có sự tham gia của tám làng thuộc ba huyện của hai tỉnh là các làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai (thị xã Sơn Tây) và Di Bình (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Bắt đầu từ sáng ngày 13 tháng Giêng, mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội như trang hoàng, bày biện ở trong và quanh khu vực đền đã được làng Vân Gia sở tại hoàn tất. Buổi chiều, các thôn cho người rước kiệu và lễ vật của thôn mình về tập trung trước sân đền. 
Ngày 15, chủ yếu là dành cho hội. Trong số các trò chơi dân gian được tổ chức, đáng chú ý có trò vật chầu bóng thánh và sau đó là vật giải để cho các đô vật đua tài, đua sức và thể hiện tinh thần thượng võ của mình.
Lễ hội Rằm tháng Chín ở đền Và chỉ có năm thôn của xã Trung Hưng là: Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai và Đạm Trai tham gia. Từ ngày 14, dân các thôn trên mang theo những dụng cụ đánh bắt cá ra sông Tích, đoạn từ cầu Vang (thuộc xã Đường Lâm) đến Mả Mang (thuộc xã Trung Hưng), tổ chức đánh bắt cá tập thể để làm tiệc tế thánh. Quy định: Đánh được cá trắng và là cá to thì nộp cho làng, còn cá đen hoặc cá nhỏ thì lấy. Lại quy định số cá làm tiệc tế thánh phải đủ 99 con; vì vậy, thời gian không kể lâu mau, khi nào đủ số, cuộc đánh bắt mới dừng lại. Theo quan niệm, những ai có cá trong số 99 con được chọn để tế thánh là người trong năm làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Lễ hội Rằm tháng Chín còn được gọi là lễ hội Đả ngư.
Tiệc cá để tế thánh bao gồm các món: Luộc, nướng, nham, gỏi và được bày làm mười mâm, một mâm cúng ông Táo, còn chín mâm chia làm ba, bày trước ba ngai Tam vị đức thánh Tản. Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần, sau khi tế xong, mọi người lại cùng nhau vui vẻ thụ lộc. Đặc biệt, trong ngày này cỗ cúng ở đây không có muối và sau khi thụ lộc xong, có tục ăn trầu không có vôi, nên mới có câu: Hội đền Và trầu không vôi, xôi không muối.
Sự thờ phụng ở đền Và cũng như các nghi thức trong lễ hội của nó là sự ảnh xạ đậm đặc đời sống sinh hoạt của người Việt cổ. Tục trầu ăn không có vôi như là một bài thuốc giúp tăng sự đề kháng cơ thể. Tục làm cỗ nhạt (không có muối) có nguồn gốc từ tục cúng thổ thần ngay nơi săn hoặc bẫy được con mồi. Rồi tục thờ đá, chế độ mẫu quyền trong việc thờ mẹ (bà Đen) mà không thờ cha (ông Hành); quan hệ sản xuất nguyên thủy ở lễ hội Đả ngư; rồi việc sử dụng gừng, nghệ, vừng, hoa chuối, chanh quả, mật mía vào các món luộc, nướng, nham, gỏi trong tiệc cá tế thánh; việc thờ cúng những công cụ sản xuất phục vụ cho nông nghiệp ở đền Dội... đã khiến đền Và được coi như một “bảo tồn, bảo tàng” sống về khảo cổ học, xã hội học và dân tộc học của xứ Đoài. Đền Và được gắn với danh hiệu mà người xứ Đoài rất tự hào mỗi khi nhắc đến, đó là: “Đoài phương tĩnh nhất khu”./.
Phùng Thành Chủng 

Tài liệu đính kèm:

  • docTham nui Ba Vi Tu lieu VB Son Tinh Thuy Tinh.doc